Dịch COVID-19 diễn biến càng phức tạp ảnh hưởng lớn tới mọi mặt kinh tế - xã hội. Trên tinh thần sẻ chia, thực hiện việc giảm giá, giảm tiền điện đợt 4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên triển khai khẩn trương, công khai, minh bạch và đúng đối tượng, góp phần ổn định đời sống người dân. Việc giảm giá này xét về mặt kinh tế là hỗ trợ đối với chính DN sử dụng người lao động bị cách ly, thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của COVID-19.

 

 

 

 


Động thái ý nghĩa

 

Nhằm chung tay cùng cả nước phòng chống dịch và chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phương án giảm giá, giảm tiền điện đợt 4 đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 83/NQ-CP, ngày 31/7/2021. Trong đó, đối với các hộ gia đình có sản lượng sử dụng điện dưới 200kWh/tháng được giảm 15%, trên 200kWh/tháng được giảm 10%. Số tiền được giảm trực tiếp trên hóa đơn tiền điện thể hiện trong kỳ hóa đơn tháng 8 và 9/2021.

 

Ngoài ra, Chính phủ cũng thông qua đề xuất của EVN trong việc bổ sung đối tượng là các doanh trại quân đội, trường học quân đội, các cơ sở được cấp thẩm quyền chọn làm nơi cách ly, tập trung y tế phòng, chống Covid-19. Các đối tượng này sẽ được giảm 100% khi sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 6 – 12/2021. Tiêu chí để lựa chọn các hộ gia đình được giảm tiền điện lần này là: đang sinh sống tại 21 tỉnh, thành phố và một số quận, huyện, trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm 30/7/2021.

 

Nhìn nhận vấn đề, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân cho biết, đây là động thái hết sức có ý nghĩa với người dân và cộng đồng DN (vì sẽ có nhiều người lao động nằm trong diện này). Việc hỗ trợ tuy không lớn nhưng người dân và DN thấy rằng, sự đồng hành của Chính phủ kịp thời, phần nào giảm bớt khó khăn trong khi điều kiện sản xuất, kinh doanh cầm chừng và thu nhập của người dân thì thu hẹp. “Do dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, với những giải pháp hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, điều đó sẽ giúp cho khách hàng, trong đó có người lao động trong diện thụ hưởng ổn định phần nào cuộc sống, giảm bớt gánh nặng, chung tay gắn bó cùng các DN trong những khó khăn về điều kiện sản xuất kinh doanh” – bà Ngân nhấn mạnh.

 

Doanh nghiệp cũng thụ hưởng

 

Đồng quan điểm, theo Giám đốc Công ty CP Biotech Group Việt Nam Lê Thị Mỹ Dung, phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 càng có ý nghĩa cho các đối tượng sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành áp dụng các biện pháp để giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới cuộc sống, thu nhập, sinh hoạt hàng ngày của người dân; đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn tới đối tượng là người lao động nghèo, những công nhân không thể đi làm việc…

 

Ngoài ra, dịch bệnh bùng phát đợt 4, các DN, nhất là DN trong KCN-CX bị ảnh hưởng nặng nề do nguy cơ vỡ hợp đồng kinh tế, phải đền bù và vào danh sách điểm đen đầu tư của các dự án nước ngoài. Trong khi mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, tê liệt, một số DN vẫn phải đảm bảo, lương, một phần lương hỗ trợ các công nhân người lao động, chi xét nghiệm, "3 tại chỗ", lãi suất ngân hàng,... Do đó, vào thời điểm này chính sách hỗ trợ giảm tiền điện nên xem xét áp dụng cho cả phía DN. “Với danh sách 70.000 công ty tuyên bố phá sản trong năm 2020, nên hỗ trợ DN mỗi thứ một chút trước bờ vực nguy cơ phá sản khi không cầm cự nổi trong suốt 2 năm đại dịch. Nền kinh tế quốc gia có khoẻ phụ thuộc một phần vào nền kinh tế DN. Hỗ trợ DN cũng là cách hỗ trợ nền kinh tế nói chung” – vị này nói.

 

Dưới góc độ của mình, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ ICT quốc gia Phạm Minh Đức cho rằng, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giảm giá, giảm tiền điện lần 4, đồng thời đề nghị các DN cung cấp nước và viễn thông cũng có động thái tương tự là chỉ đạo mang tính thiết thực đến đời sống người dân và các DN. Đối với các DN, nó giúp giảm giá thành sản xuất, chi phí chung qua đó giảm chi phí đầu vào của sản phẩm. Tính toán sơ bộ, doanh thu của ICT bị giảm khoảng 20% trong đại dịch, nhưng nhờ giá điện nước viễn thông giảm khoảng 10%, DN có thể giảm được 2% chi phí chung. Do sản xuất bị chững lại, gián đoạn vì giãn cách xã hội nên giảm giá tiền điện cũng là giảm áp lực cho DN trong việc vẫn phải đảm bảo đời sống của người lao động, áp lực từ các khoản vay ngân hàng. Cộng đồng DN phấn khởi trước chính sách này của Chính phủ, ngoài giá trị kinh tế có thể thấy được sự động viên tinh thần cho người dân, người lao động làm việc cho DN vượt qua khó khăn. Hy vọng, các chính sách hỗ trợ DN về ưu đãi vay vốn, giảm thuế TNDN dễ tiệm cận hơn, đồng thời tổ chức luồng giao thông để công việc sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn.

 

Khẩn trương triển khai

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng: Quyết định giảm giá điện, nước của Chính phủ lúc này là rất hợp lòng dân, thể hiện sự nhân văn và kịp thời. Người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 về cả sức khỏe và kinh tế. Bởi vậy, bất cứ sự hỗ trợ nào của Nhà nước lúc này cũng rất ý nghĩa. Điện và nước là những mặt hàng thiết yếu mà không gia đình nào không dùng đến. Ở nhà nhiều có nghĩa là chi phí những khoản này tăng lên. Do đó, quyết định này có tác động rất lớn, lan tỏa tới hàng triệu hộ gia đình.

 

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm thông tin, hiện Tập đoàn và các đơn vị đã, đang tích cực triển khai việc giảm giá điện, tiền điện đợt 4 cho khách hàng một cách nhanh chóng, minh bạch, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. EVN đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thành viên, các tổng công ty điện lực hoàn thiện cơ sở dữ liệu khách hàng, hoàn thiện công cụ tính toán và công khai, minh bạch thông tin lên các trang thông tin điện tử, các trung tâm chăm sóc khách hàng để đảm bảo việc giảm tiền điện công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng mục đích. “EVN đã chỉ đạo các công ty điện lực trao đổi với các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư để có thông tin về những quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách để EVN thực hiện giảm tiền điện ngay trong tháng 8 này” – ông Võ Quang Lâm nói.

 

Theo tính toán, tổng số tiền điện mà EVN sẽ giảm cho khách hàng trong đợt thứ 4 này là khoảng 2.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền cả 4 đợt EVN giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong năm 2020 và 2021 là khoảng 16.300 tỷ đồng.

 

Nguồn bài viết và ảnh: evn.com.vn